6. NHỮNG KỈ NIỆM TRONG SINH HOẠT VỚI GIÁO XỨ

6. NHỮNG KỈ NIỆM TRONG SINH HOẠT VỚI GIÁO XỨ

Nguyễn Ngọc Bích

Trước khi bước vào sinh hoạt với giáo xứ, tôi đã có thời gian sinh hoạt ở bên ngoài. Khoảng năm 1977, tôi bắt đầu sinh hoạt với các em thiếu nhi Ấp 4 (Thời gian này gọi là Ấp, sau này phân chia lại thành Tổ) Hai "sự kiện lớn" mà tôi đã làm là Tổ Chức một đêm Văn Nghệ và Rước đèn Trung Thu.
 
Vì buổi Văn Nghệ do Thiếu Nhi Ấp 4 đứng ra tổ chức, nên phải tự túc hoàn toàn. (Vào năm 1977, thì cái gì cũng là không có) Sân khấu thì mượn được mấy chục cái bàn học của Trường Dân An 4, mang ra xếp vào (ở cuối nhà thờ), màn kéo và phông phía sau thì mượn của Phường. Hệ thống âm thanh, ánh sáng, toàn đồ đi mượn. Ban nhạc thì "nhờ" mấy người bạn chơi giúp. Giấy mời quan khách thì tự đánh máy. Các tiết mục cũng có đầy đủ Ca, Vũ, Nhạc, Kịch. Tôi phụ trách phần ca và kịch còn cô bạn Trương Thị Ánh Hồng phụ trách phần vũ. Vở kịch hôm đó là "Độc tấu piano bản Ngựa Phi Đường Xa" do Nguyễn Ngọc Hướng thủ vai chính đã làm khán giả cười ngả nghiêng. Còn phần vũ cũng để lại rất nhiều ấn tượng, với lối trình diễn sống động, uyển chuyển và nhất là: mầu sắc đẹp.
 
Tết trung thu năm đó, các em Thiếu Nhi Ấp 4 tham dự rước đèn do Phường tổ chức. Tôi làm 2 đèn lớn. Đèn thứ nhất, là một huy hiệu thiếu nhi, do 4 em nữ khiêng, có gắn 1 giây đèn nhấp nháy, 1 bóng neon 0,6 mét. Đèn thứ hai, là một "tên lửa" đặt trên 4 bánh xe (bánh răng tháo từ máy dệt ở nhà) do các em nam kéo. Tên lửa có chiều dài bằng nguyên một cây nứa, chung quanh phủ giấy (lấy ở Tổ Hồ Dệt Thống Nhất), trong bụng tên lửa được gắn 2 bóng đèn neon 1,2 mét, phía cuối gắn thêm 1 bóng đèn đỏ, một cái quạt cùng với giấy bóng đỏ để tạo thành lửa.
 
Đoàn rước đi từ Ngã Tư Xóm Mới xuống tới Ngã Ba Nhà Đèn. Hai đèn trung thu của Ấp 4 được nối chung dây điện với nhau, đồng thời chúng tôi chuẩn bị thêm 2 khúc dây điện thật dài, do 4 em phụ trách, cứ đi ngang nhà nào là xin cắm điện nhờ. Trong khi đèn trung thu của những Ấp khác dùng nến, thì đèn trung thu của Ấp 4 dùng điện, sáng rực, độc lạ, đã lấy hết sự chú ý của người xem 2 bên đường.

 

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15/8

Đây là sinh hoạt đầu tiên của tôi với Giáo xứ Bắc Dũng. Đó là năm 1978 dưới sự Quản Nhiệm của Cha Thomas Nguyễn Văn Thuyết. Giáo xứ Bắc Dũng được phân chia thành 4 giáo khu, mỗi giáo khu đều có một Thánh Quan Thày của khu mình. Gia đình tôi thuộc khu I, và Quan thày của Giáo khu 1 là Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (Assumption of Mary). Không hiểu sao, hồi đó bố tôi "được" lãnh chức "Trùm" của khu 1. Để chuẩn bị cho ngày lễ Quan Thày khu, ông cụ hỏi tôi có thể làm cái đài Đức Mẹ cho ngày lễ sắp tới được không? Dĩ nhiên là được rồi. Tôi là người có máu đam mê về nghệ thuật, nên nhận lời ngay.

Chưa hết, lại còn thêm nhiệm vụ thành lập ca đoàn khu. Ở vào giai đoạn này, xứ Bắc Dũng chỉ có 1 ca đoàn. Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là lễ Quan Thày của Khu I, và là bước đi đầu tiên trong kế hoạch phân chia giáo khu của Cha Thuyết, nên Khu I phải làm cho "thật tốt". Không biết ai đi vận động mà lại tìm cho tôi được khoảng 15 em, cả nam cả nữ. Vậy là đủ ! Tôi bắt đầu tiến hành tập hát mỗi tối.

Gần tới ngày lễ, tôi chuẩn bị làm đài Đức Mẹ. Vì là trang trí, gắn vào tháo ra, nên không xử dụng những vật liệu nặng, chủ yếu là vải và mớp (styrofoam), bên cạnh đó là đèn và sơn để phối hợp mầu sắc. Dùng mớp làm phông phía sau, gồm nhiều hình lập thể chồng lên nhau. (Tôi không có thói quen trang trí theo kiểu "cân bằng" -Symmestrical, mà thường là lệch sang một bên -Asymmestrical, nhưng nhìn tổng thể vẫn cân bằng), sau đó dùng sơn neon (lumineux) vẽ cạnh hoặc những khu vực cần nổi bật. Trong trang trí, tôi sử dụng rất nhiều đèn, vì ánh sáng có thể "khoe ra" điểm nhấn, và "dấu đi" điểm xấu. Tất cả ánh sáng chỉ đánh nhẹ phía trước tượng Đức Mẹ (phần trên), còn phía sau và phần chân để tối. Một bóng đèn cực tím phản quang (Black light) được gắn ngay sau lưng Đức Mẹ, và bóng đèn thứ hai được gắn phía trước để hắt vào phần chân, đèn này được dấu kín phía sau những miếng vải như những "ngọn đồi" nhỏ bé. Khi hệ thống điện được bật lên, 2 bóng Black light phối hợp với phần sơn neon tạo nên một khung cảnh rực rỡ và "huyền bí", nhất là đối với những người chưa bao giờ nhìn thấy đèn cực tím phản quang. Lạ !

Riêng ca đoàn khu I, hôm đó cũng hăng say hát hết mình. Lần đầu tiên các em được hát cho khu của mình, và các em cũng là ca đoàn thiếu nhi đầu tiên tại xứ. Sự gắn bó với nhau giữa các em và tôi, đã là một phần quan trọng cho những sinh hoạt sau này tại giáo xứ, bởi các em là những con men chủ lực trong sinh hoạt, từ Khu I, lan rộng qua giáo xứ. Thế là, lần đầu tiên tôi "ra mắt" với xứ Bắc Dũng đã để lại được nhiều ấn tượng, và đã lọt vào "tầm ngắm" của Cha Thuyết.

 

Nhóm Giáo Lý & Ca Đoàn Thiếu Nhi

 

Sau buổi "ra mắt" với Giáo Xứ, tôi bắt đầu tiếp xúc với Cha Thuyết nhiều hơn. Giữa Cha và tôi có nhiều điểm tương đồng. Đặc biệt nhất, Ngài là người năng động, thích những gì mới lạ, và những gì tôi muốn làm, Ngài hoàn toàn ủng hộ. Có những lần tổ chức lễ lớn, chúng tôi làm không kịp phải ngủ lại trong nhà thờ để làm, Cha Thuyết vào thăm và cho tiền mua đồ ăn để chúng tôi "tử thủ" đêm hôm đó. Với sinh hoạt của giáo xứ, Ngài muốn phát triển mạnh hơn, để vực dậy tình trạng đang rệu rã, trong đó có việc "đào tạo thêm nhân tài". Mời cha Vịnh về dậy đàn nhà thờ để khỏi trở ngại người đánh đàn (Tôi là một trong số những người học) Thời gian này Nhà Thờ chỉ có một cây đàn Harmonium để trên gác, về sau cha mua thêm cây đàn organ điện và đưa lên phía bên hông gian cung thánh, rồi Cha mua kèn với ý định lập ban kèn đồng... Ngoài ra, Cha cũng có mối liên hệ rất tốt với Chính quyền địa phương, nhất là giai đoạn sau năm 1975..

Thành lập Ca Đoàn Thiếu Nhi

Sự năng động của các em trong Ca Đoàn Khu I (Nhóm 7 Tây), đã là mồi lửa để tôi nhanh chóng nhận lời khi Cha Thuyết ngỏ ý muốn tôi thành lập Ca Đoàn Thiếu Nhi. Với lực lượng chủ yếu bên Khu I, tôi kêu gọi thêm một số em trong nhóm Giáo Lý và nhóm Thiếu Nhi Dân An 4. Tất cả những em này đã có "máu sinh hoạt" trong người, nên việc hình thành rất nhanh chóng.

Chúng tôi chọn căn nhà của cha Thân Toàn Vũ để làm nơi hội họp và tập hát (Cha Vũ đã qua đời, và căn nhà này đang được dùng làm nhà kho). Việc đầu tiên tôi thực hiện là in khoảng 30 cuốn sách nhạc cho các em, lấy tên là "Giáo Lý Ca". Đây là một công việc cực kỳ khó, vì sách được in bằng... tay. Ở thời điểm này không có nhà in, không có tiệm photocopy, thậm chí không có cả máy đánh chữ. Vậy mà chúng tôi vẫn in được 30 cuốn. Phải nói đây là một "kỳ công". Mỗi lần anh em chúng tôi tụ nhau lại làm sách ở cái "văn phòng" "ngổn ngang bàn ghế", Cha Thuyết lại chạy qua hỏi thăm và gật gù. Cũng may, 30 cuốn sách ra đời trong bình an !

Bên cạnh những buổi tập hát, chúng tôi thường có những buổi "gặp mặt thư giãn" và tổ chức đi dã ngoại bằng xe đạp trên núi Bửu Long (Biên Hòa). Qua những sinh hoạt này, tình cảm anh em chúng tôi ngày càng thêm khăng khít, và mỗi khi có việc, tất cả đều "xúm vào" giải quyết một cách mau lẹ.

Đây là ca đoàn thiếu nhi đầu tiên của xứ Bắc Dũng.

 

Đức - Công - Lâm

Hưng - Hiệp - Đức - Thông - Hồng - Công

Tết Trung Thu 78

Cha Thuyết cho tôi biết Trung Thu năm nay sẽ tổ chức chung với Xứ Trung Bắc và Tân Hưng. Phần ca hát trong Thánh lễ sẽ phân chia cho mỗi xứ hát một phần... Tôi hơi khựng người, vì ở vào thời điểm này, tập trung đông người là... "không tốt". Tôi hỏi lại Cha có được không? Ngài thản nhiên trả lời: được chứ! (Cha Thuyết là người có quan hệ tốt với Chính quyền địa phương) Rồi Cha cho biết sơ qua về ý định tổ chức như thế nào, dĩ nhiên Thánh lễ là chính, nhưng trong Thánh lễ phải làm gì để có hơi hướm là Trung Thu. Khi ấy hai Cha con đang đứng trong nhà thờ, Ngài chỉ tay về phía cung thánh và nói: Làm một câu "Cùng Vui Trong Chúa" ở giữa Nhà Thờ.

Tôi nhìn ra được ý của Cha, một cái gì lạ, khác bình thường và trẻ trung. Tôi nghĩ ngay tới cuộn giấy đang để ở nhà và nói: Được!

Sau khi thông báo cho các em trong ca đoàn biết để chuẩn bị tập hát, lần này, tôi chọn toàn những bài hát có chút làn điệu "dân ca", thích hợp với tiếng sáo để có thể tạo được bầu không khí của "đồng quê" trong ngày Trung Thu.

Về tấm băng rôn ( banderoll), chúng tôi kéo 2 sợi dây kẽm song song, cách nhau khoảng 1 mét, từ cột này sang cột kia, và dùng cuộn giấy (có chiều ngang khoảng 4 cm) dán từ cọng giây kẽm trên xuống cọng dưới, cứ thế đi hết chiều ngang, tạo thành bức phên gồm nhiều thanh dọc. Chữ "Cùng Vui Trong Chúa" được cắt rời từng nét bằng giấy Croquis theo kiểu "thư pháp trẻ trung" (kiểu chữ mà chưa bao giờ có ai dùng trong nhà thờ). Khi gắn chữ lên tấm mành băng rôn, tôi gắn chữ trồi lên, trụt xuống, ngả nghiêng theo kiểu đang nhẩy múa (cho phù hợp với ý nghĩa của câu "cùng vui trong Chúa")

Đây có lẽ là thánh lễ "vui nhất" của xứ Bắc Dũng sau năm 75. Vì có tới 3 xứ tham dự, trong nhà thờ chật cứng, bên ngoài, bà con chen nhau nhìn qua cửa sổ. Trong nhóm 7-Tây thì Công là người nhớ dai nhất:

-Không vui sao được, vì hôm đó có cả múa lân ở trong nhà thờ !

 

Giáng Sinh 78

Một lần nữa, tôi lại được phụ trách làm hang đá cho nhà thờ.

Biết Cha Thuyết là người "không phản đối" với những ý tưởng khác lạ, tôi dựng hang đá theo kiểu mô hình, khác với kiểu hang đá "truyền thống" làm bằng giấy rồi sơn xịt lên. Trước tiên, chúng tôi di chuyển cái bàn ping pong đang để trong kho ra nhà thờ, rồi nhờ mấy em đào đất trong ao nhà Cha, mang ra đổ lên bàn ping pong. Với số đất này, tôi tạo thành mô hình của một "vùng đồi núi" thu gọn, trong đó có nhiều cây khô và rải những hạt mớp trắng lên làm tuyết. Ở "vùng đồi núi" này, tôi dựng một mái nhà tranh (theo kiểu chuồng bò) để đặt bộ tượng. Phía sau mô hình là một bức phông lớn, vẽ cảnh trời tối đen giữa cánh đồng tuyết trắng. Dưới chân bàn ping pong phủ vải kín và dùng chậu kiểng trang trí phía trước.

Để tạo cho toàn cảnh được sống động, tôi gắn một số đèn nhấp nháy phía sau phông làm những ngôi sao, và một vòng tròn lớn, có bóng điện ở trong, làm ánh trăng. Lần trang trí này, tôi vẫn" dùng đèn cực tím phản quang (Black light) và sơn neon (lumineux) để tạo thành những điểm nhấn nổi bật. Những cây khô ở "vùng đồi núi" này, đều có đèn gắn ở dưới gốc chiếu hắt lên, và trên cành, điểm một chút sơn neon tạo nên sự lung linh. Tiếc rằng ngày đó không có đủ dụng cụ để làm một vài "chuyển động" trong mô hình này. Lạ !

 

Thành phần nòng cốt của Ca Đoàn Thiếu Nhi (bên nam)

Từ trái qua phải: Thông, Vinh (organ), Xướng, Lâm, Ngọc Công, Hiệp, Hưng, Bích, Đức, Công, Ký

Mùa Thương Khó & Phục Sinh 79

Năm 1995, trong một lần đi dự tiệc cưới, tôi tình cờ ngồi chung bàn với anh Hữu (con bà Lý Loan). Tôi và anh không biết nhau. Anh thuộc lớp đàn anh lớn hơn tôi, và tôi thường xuyên xa nhà. Trong cuộc trò chuyện, sau khi xác định "tọa độ", anh hỏi tôi có phải là người đã tổ chức lễ Phục Sinh hồi đó? Tôi gật đầu xác nhận. Anh nói, hồi đó chỉ biết là con ông Thuyết, nhưng không biết là ai, bây giờ mới biết. Rồi chúng tôi ôn lại về buổi lễ hôm đó, và anh nói, cho tới bây giờ, vẫn chưa có ai qua mặt được.

Phục sinh là ngày cuối cùng của tuần lễ thương khó. Với người Công Giáo thì đây là tuần lễ "đau buồn", nhưng với giới trẻ (cả Công Giáo và không Công Giáo) thì đây là tuần lễ "vui" nhất, vì họ có cơ hội dắt nhau đến nhà thờ này, thăm nhà thờ kia "xem" họ đang làm gì, đặc biệt trong 3 ngày thứ năm, thứ sáu và thứ bảy.

Với Ca Đoàn Thiếu Nhi xứ Bắc Dũng, thì đây là một vinh hạnh, vì Cha xứ giao cho chúng tôi phụ trách phần thánh ca trong suốt tuần lễ đó. Tôi bắt đầu một chương trình tập hát "dài hơi" cho các thánh lễ từ thứ năm đến khuya thứ bảy (phục sinh). Mỗi tối, chúng tôi gặp nhau tại căn nhà của cha Vũ để tập dợt (với cây đàn guitar). Tôi điểm lại những người bạn quen biết đã từng chơi nhạc. Trong đó, quan trọng nhất phải kể đến là Vinh (khu Tràng Lan), là người phụ trách chơi đàn organ cho Ca Đoàn Thiếu Nhi.

Sau khi liên lạc với nhóm bạn "nhạc công" và được họ hứa giúp, gồm có Clarinet, saxophone, Trumpet, Accordeon, Violin, Sáo, Tambourine, 2 guitar và trống. Tôi gom tất cả những bản nhạc sẽ hát giao cho Vinh, trong đó có một số bản tôi đã viết hòa âm, viết thêm bè, phần còn lại, nhờ Vinh hòa âm và viết riêng (chuyển tông) cho Clarinet, Trumpet và saxophone (Cao độ của Clarinet và trumpet là Si giáng, còn cao độ của sax là mi giáng so với chủ âm). Đây là công việc chiếm rất nhiều thời gian, vì tất cả phải viết bằng tay cho mỗi nhạc công một bản, không có máy photocopy như bây giờ. Cũng may, Vinh... làm được và làm quá xuất sắc ngoài dự đoán của tôi. (Vì có vài nhạc công không có thời gian tập dợt với ca đoàn, nên phải soạn sẵn cho họ) Những nhạc công này toàn thuộc hạng "cao thủ" như Tiến Biên (Trung Bắc), Doanh (Trại Cha Tống), Kha (Bến Cát), Ngọc (Hà Nội)...

Ngoại trừ cây đàn ọrgan của nhà thờ, còn lại tất cả những nhạc cụ trên, đều là lần đầu tiên được đưa vào nhà thờ Bắc Dũng, mà muốn đạt được hiệu quả, thì âm thanh lại là một vấn đề, khi mà xứ Bắc Dũng chỉ trơ trụi có một chiếc loa sắt treo gần gian cung thánh, chủ yếu là để cho Cha và Ca đoàn sử dụng. Nếu không có loa thùng thì coi như thua, vì các loại đàn cắm qua amplify đèn, không thể sử dụng loa sắt, mà phải là loa giấy. Tôi làm một tờ giấy giới thiệu cho Lâm, đại diện Cơ Sở Hồ Dệt Thống Nhất đến Xí Nghiệp Dệt Mai Thành (gần sân vận động Đạt Đức) mượn một cặp loa thùng lớn (với lý do... về tổ chức tiệc tiễn anh em lên đường). Vì là bạn hàng của Hồ Dệt Thống Nhất, Xí Nghiệp Dệt Mai Thành đồng ý ngay, và Lâm chở loa về. Cặp loa được đặt ngay bậc thang thứ nhất trên gian cung thánh. Hai loa này còn được phủ thêm hai khăn màu hồng rất trang trọng. Về phần amplify, tôi có 1 cái và mượn thêm 1 cái của anh Trọng (gần Chợ Xóm Mới), đàn guitar thì Tiến Biên mang tới cây lead và cây bass. Ngoài mấy cái microphone của xứ, tôi tăng cường thêm 2 cái của Hồ Dệt Thống Nhất. Vẫn còn thiếu dàn trống! Biết có người em con bà cô ở Bình Trưng có dàn trống, tôi và Lâm chạy lên mượn và cột hết vào honda, chạy về.

Tất cả đã sẵn sàng !

 

Ngày thứ Năm Tuần Thánh

Trong thánh lễ, tôi dự định đưa cây sáo và violin vào phụ họa với ca đoàn, nhưng giờ phút chót Thiệu (chơi violin) không đến được vì phải lên Saigon chơi (cho một nhà dòng nào đó), chỉ còn lại một cây sáo. Khi tiếng sáo vang lên cùng với tiếng hát trầm bổng của các em thiếu nhi, đã làm cho cả nhà thờ ngạc nhiên bởi âm điệu ai oán sầu thảm của ngày thương khó, ngày mà cuộc chia ly bắt đầu, và hơn hết, lần đầu tiên giáo dân Bắc Dũng được nghe tiếng sáo trong nhà thờ. Lạ!

 

Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh

Cũng như ngày thứ Năm, chủ đề vẫn là "sầu thương bi thảm" để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Đức Kitô, một ngày đại tang buồn thảm của Giáo Hội, ngày Chúa Giêsu chịu khổ hình và bị đóng đinh trên thập giá. Trong ngày hôm nay, ngoài cây sáo, tôi đưa thêm cây kèn clarinet vào. Khi tiếng sáo và clarinet quyện vào lẫn nhau, tạo nên một âm điệu mềm mại, ngọt dịu.

Trong ngày thứ sáu có phần rước kiệu chung quanh nhà thờ. Vì muốn Cha Thuyết sử dụng microphone trong khi đi rước, Công và 1 em nữa phụ trách leo lên mái tôn nhà thờ di chuyển cái loa sắt theo đoàn rước (bình thường mà leo lên mái tôn nhà thờ là bị ăn đòn), riêng Lâm thì thủ một cây clarinet đi theo đoàn kiệu.

 

Ngày Thứ Bảy

Thánh lễ hôm nay, ca đoàn tập trung ở phía bên trái của gian cung thánh. Vì số lượng nhạc công và nhạc cụ quá nhiều nên chúng tôi "chiếm" luôn hai hàng ghế đầu để có chỗ bày nhạc cụ và các nhạc công có chỗ đứng.

Thánh lễ ngày Thứ Bảy là thánh lễ có nhiều bài hát nhất. Ngoài những bài hát như thường lệ, còn có thêm 5 bài đọc, là 5 bài hát. Sau mỗi bài đọc, cả nhà thờ ngồi xuống, nhìn lên chúng tôi đang đứng ở bên cạnh gian cung thánh, như đang xem một buổi trình diễn Thánh Nhạc. Có những bản nhạc chúng tôi hát nhẹ nhàng, du dương cùng với tiếng saxophone, hay ngọt dịu thánh thót với clarinet, cũng có những bản nhạc hát trầm bổng, lên xuống dồn dập như nhạc kịch. Bản "Xuất Hành" (Vang Lên Muôn Lời Ca) của linh mục Hoàng Kim đã đưa người nghe về với Biển Đỏ, nơi ông Mosen dẫn dân Chúa vượt thoát sự truy đuổi của quân lính Ai Cập. Tiếng gõ mõ liên tục từ dàn trống làm người nghe cảm nhận được sự dồn dập của tiếng vó ngựa đang đuổi theo, và khi trumpet nổi lên, báo hiệu quân lính đã tới bao vây. Tiếng Cymbal chát chúa của dàn trống vang lên cũng là lúc người nghe "nhìn thấy" được Biển Đỏ đang bị xé làm đôi để dân Chúa vượt qua...

Ở một bài khác, khi tuyên xưng đức tin (Con tuyên xưng, Chúa đã chết đi...) tiếng Tambourine quyện lẫn tiếng Trumpet nói lên sự vui mừng của dân Chúa trong ngày vinh quang khi Chúa lại đến, "đón chúng con lên Trời về với Chúa Cha"

Để dễ gây sự chú ý, tôi thường cho các em hát solo hoặc song ca ở câu tiểu khúc, và đặc biệt, đây là lần đầu tiên ca đoàn được hát bằng hệ thống âm thanh chuyên nghiệp với loa thùng (thay vì loa sắt) và có gắn thêm một chút echo làm cho giọng trở nên hay hơn.

Cuối lễ, chúng tôi hát bài "Chúa Yêu Trần Thế" của linh mục Thành Tâm. Bản nhạc này thuộc thể loại vào đời, và chúng tôi hát theo điệu Twist. Thử tưởng tượng một điệu Twist kích động, với ban nhạc hùng hậu gồm đầy đủ trống, đàn, bass, clarinet, saxophone, Trumpet, Accordeon, Tambourine và keyboard... thì vui nhộn cỡ nào. Sự vui nhộn thể hiện rõ nhất trên khuôn mặt rạng rỡ của những em ca viên. Riêng mấy nhạc công, có lẽ đã phải chơi "cầm chừng" suốt buổi lễ, và chờ cho tới bản twist cuối cùng này, họ chơi... cuồng nhiệt. Thiệt là hết ý !

Bản nhạc kết đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người nghe. Sau thánh lễ, Cha Thuyết từ trong phòng áo bước ra, đi thẳng tới ca đoàn, cha hỏi:

-Hôm nay hát lễ có đã chưa ?

Cả đám chúng tôi cười.
 

Gặp lại

Tháng 4 năm 1979, tôi rời Xóm Mới. Lênh đênh và lang thang khắp nơi. Từ Mã Lai đến Tokyo, Hoa Kỳ. Từ London đến Paris và Rome. Macao, Hong Kong đến Mexico, và rồi... biến mất một thời gian dài. 40 năm sau, anh em chúng tôi gặp lại trong buổi họp mặt tại Vĩnh Long. Tiếc rằng buổi họp mặt này không được đầy đủ, vì có người đã mất, người còn ở xa, người bệnh hoạn. Bù lại, "7 thằng Tây" ngày xưa, giờ có thêm 7 bà đầm, đứa nào tóc cũng bạc phơ. Những vật lộn với năm tháng đã hiện lên khuôn mặt của từng đứa. Điều quý nhất, là "7 thằng Tây" vẫn bên nhau như thuở nào, vẫn gặp nhau trong giờ kinh nguyện mỗi tháng, vẫn đi chơi dã ngoại, và hơn hết, vẫn coi nhau như anh em một nhà.

Cảm ơn các em đã cho anh cơ hội hồi tưởng lại những chuyện xưa. Cảm ơn các em đã gởi cho anh những tấm hình vô cùng quý giá.